Sự suy tàn của ‘thiên đường Bitcoin’ cuối cùng tại Trung Quốc

Lệnh cấm đào Bitcoin của tỉnh Tứ Xuyên đã đánh dấu chấm hết với một trong những nơi được coi là thiên đường với giới tiền ảo Trung Quốc.

Suốt một năm rưỡi qua, hàng chục nghìn máy tính công suất cao hoạt động không nghỉ và phát ra tiếng ồn điếc tai trong một nhà kho rộng lớn, trái ngược với vùng rừng tĩnh lặng bên ngoài thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng – Khương Ngawa ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Đây là một phần của mỏ đào Bitcoin quy mô lớn trong khu vực.

“Đó là âm thanh của dòng tiền đổ về”, Ye Lang, người quản lý cơ sở đào Bitcoin, cho biết. Người đàn ông 40 tuổi dùng tên giả khi chia sẻ về công việc. Trong giai đoạn cao điểm khai thác Bitcoin, Ye quản lý 80 nhân viên và 80.000 máy đào. Hệ thống thu về khoảng 14 triệu USD trong 6 tháng mùa mưa, thời điểm nước các sông ở Tứ Xuyên dâng cao và giá điện rất rẻ.

Tuy nhiên, tất cả chấm dứt vào tối 19/6 sau khi chính quyền Tứ Xuyên ra thông báo yêu cầu đóng cửa cơ sở của Ye cùng 25 mỏ đào tiền ảo lớn trên địa phận tỉnh này.

Bên ngoài một mỏ đào Bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên trước lệnh cấm. Ảnh: Caixin.

Thông báo được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Tài chính Bền vững và Phát triển Trung Quốc (FSDC) do Phó thủ tướng Lưu Hạc chủ trì, trong đó, cơ quan này nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “trấn áp hoạt động đào và giao dịch Bitcoin” vì những hiểm họa tài chính.

Ye phải chấm dứt mọi hoạt động. Hàng chục nghìn máy đào Bitcoin và 2.000 quạt công nghiệp lần lượt ngừng hoạt động. “Tất cả đã kết thúc”, anh cho biết.

Ngành công nghiệp khai thác Bitcoin Trung Quốc nhìn từ Từ Xuyên

Ye quyết định tham gia ngành công nghiệp khai thác Bitcoin vào năm 2018 sau khi đóng cửa hàng net, thế chấp ngôi nhà của mình ở tỉnh An Huy, mượn tiền của họ hàng và chia tay vợ con để chuyển tới Tứ Xuyên. Đây là tỉnh có hoạt động đào Bitcoin lớn thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Tân Cương, nhờ nguồn thủy điện dồi dào và giá rẻ.

Anh gặp may hồi tháng 11/2019 khi được giới thiệu với Liu Weimin, doanh nhân vừa đạt được thỏa thuận với nhà máy thủy điện của nhà nước để xây dựng mỏ đào Bitcoin ở khu vực cách thủ phủ Thành Đô khoảng 300 km. Ye được phân công làm quản lý cơ sở này. “Tôi đã chứng kiến khu mỏ được xây dựng từ con số không”, anh nhớ lại.

Nguồn năng lượng cho các mỏ Bitcoin ở Tứ Xuyên được lấy từ thủy điện, điều đó khiến nhiều người coi đây là thiên đường an toàn cho thợ đào Bitcoin, nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh dựa chủ yếu vào nhiệt điện như Tân Cương và Nội Mông áp lệnh cấm đào Bitcoin để bảo đảm mục tiêu cắt giảm khí thải của chính quyền trung ương.

Chính quyền Tứ Xuyên ban đầu cũng tỏ ra tích cực với ngành này. Hồi tháng 7/2019, giới chức thành lập khu vực đặc biệt để chào đón các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để tận dụng nguồn cung từ thủy điện, vốn dư thừa và sẽ bị lãng phí trong mùa mưa.

Tính đến tháng 4/2021, Trung Quốc vẫn chiếm tới 46% hoạt động của mạng lưới Bitcoin toàn cầu, trong khi Mỹ đứng thứ hai với 16,8%.

Mọi thứ thay đổi từ sau cuộc họp của FSDC hồi tháng 5, vốn diễn ra trong bối cảnh giá Bitcoin tăng vọt và lập đỉnh gần 65.000 USD/đồng hồi giữ tháng 4. Năng lực khai thác tiền ảo (hashrate) trung bình toàn cầu đã giảm 48% vào ngày 21/6, một ngày sau khi chính quyền Tứ Xuyên ra lệnh đóng cửa các mỏ đào Bitcoin, so với mức đỉnh ngày 13/5.

Bất chấp cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ, Ye vẫn quyết tâm bám trụ với lĩnh vực khai thác Bitcoin. “Ngành công nghiệp này rất bất ổn, đi kèm với nhiều căng thẳng và cảm xúc khó kiểm soát, nhưng đó cũng là sức hấp dẫn của nó. Các công ty bị cấm đào Bitcoin, nhưng cá nhân thì không”, Ye nói, thêm rằng anh đang có kế hoạch mua thiết bị cũ và thu nhỏ quy mô hoạt động.

Nhân viên thu dọn một mỏ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên trước ngày lệnh cấm có hiệu lực. Ảnh: Caixin.

Liu, chủ sở hữu khu mỏ do Ye quản lý, cũng đang chuẩn bị phương án B và tỏ ra không lo ngại với những thiệt hại vừa gánh chịu vì lệnh cấm. Doanh nhân 40 tuổi này trở thành tỷ phú nhân dân tệ nhờ sớm nhảy vào thị trường Bitcoin. Một mình Liu sở hữu hơn 10 mỏ đào ở riêng Tứ Xuyên và chiếm tới 12% tổng lượng điện tiêu thụ của giới khai thác Bitcoin ở tỉnh này.

Trong mùa cao điểm, mỗi ngày hệ thống mỏ của Liu có thể thu về 70 – 80 Bitcoin, trong khi con số này trên toàn thế giới là khoảng 900. Giá Bitcoin cũng trồi sụt rất mạnh và đang ở mức quanh 40.000 USD, tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn 40% so với mức đỉnh hồi tháng 4.

Liu phát hiện tiềm năng của khai thác Bitcoin hồi năm 2016 khi một người bạn học cho anh thấy máy đào. Doanh nhân này lúc đó đang nợ hơn 2 triệu nhân dân tệ (gần 290.000 USD) vì công việc kinh doanh nông nghiệp thất bại, nhưng vẫn quyết định mua 10 máy đào với giá 10.000 nhân dân tệ (1.450 USD) và triển khai chúng ở Tứ Xuyên.

Giá điện ưu đãi cho phép Liu thu lãi gần 200 nhân dân tệ mỗi ngày. Anh nhanh chóng bổ sung 50 máy đào nhưng bị cắt hợp đồng với nơi cho thuê mặt bằng vào đầu năm 2017 vì họ không chịu nổi giá điện của hệ thống.

Liu quyết định đầu tư mạo hiểm. Đầu năm 2017, anh khởi đầu với 200 máy đào Bitcoin. Đến tháng 9 cùng năm, Liu đã sở hữu khoảng 10.000 máy. Không lâu sau khi trả hết nợ, Liu quyết định thay đổi phương thức kinh doanh và ngừng việc tự khai thác Bitcoin. Doanh nhân này chuyển sang thiết lập các mỏ đào quy mô lớn và giúp khách hàng quản lý chúng.

“Các mỏ đào Bitcoin cũng có nét tương đồng với nông trường truyền thống. Dù thị trường thay đổi thế nào thì quy trình đào Bitcoin vẫn giữ nguyên. Mở các cơ sở khai thác là phương án đầu tư tương đối ổn định và tôi có thể hoàn vốn chỉ trong một năm”, Liu tiết lộ.

Hoạt động của Liu liên tục gặt hái thành công nhờ những chính sách ưu đãi của giới chức Tứ Xuyên. Doanh nhân này nhanh chóng xây dựng được tên tuổi và thường xuất hiện ở những sự kiện của chính quyền, được ca ngợi là một trong những hình mẫu về tiêu thụ năng lượng và giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Dù vậy, mọi thứ cũng thay đổi nhanh chóng mặt. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên xuất hiện cuối tháng 2 khi chính quyền Nội Mông đề xuất cấm những dự án khai thác Bitcoin mới và đóng cửa toàn bộ lĩnh vực này trước tháng 5 để đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải của chính phủ.

Các tỉnh Thanh Hải, Tân Cương và Vân Nam cũng tiếp bước ngay sau đó. Chính quyền Tứ Xuyên ra lệnh đóng cửa toàn bộ mỏ đào Bitcoin trước ngày 20/6.

Mỏ đào Bitcoin nằm gần một nhà máy thủy điện ở Tứ Xuyên. Ảnh: People Visual.

Cuộc di cư

Liu đã đa dạng hóa các khoản đầu tư ngay từ đầu năm 2019, đổ tiền vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bất động sản và giải trí. Sau quyết định của FSDC, anh đã cho một nhóm nhân viên tìm kiếm địa điểm đặt mỏ đào ở Bắc Mỹ và Kazakhstan. Đến giữa tháng 6, công ty của Liu mua một mỏ dầu ở Canada nhằm cung cấp nhiên liệu cho hoạt động của các mỏ đào Bitcoin.

Một số bang giàu nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ đang chào đón các thợ đào Bitcoin để tiêu thụ nguồn khí tự nhiên từ các công ty dầu mỏ. Bit Mining, công ty có trụ sở ở Thâm Quyến, hồi tháng 5 ký thỏa thuận 26 triệu USD để xây dựng một trung tâm đào tiền ảo ở Texas, nơi được cho là sẽ trở thành trung tâm tiền ảo mới của thế giới nhờ năng lượng giá rẻ và luật pháp ưu ái với hoạt động này.

Liu cho rằng địa điểm ở nước ngoài sẽ phải đáp ứng hai yêu cầu là chi phí điện rẻ và không bùng phát Covid-19. “Đây sẽ là một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới”, doanh nhân này cho hay.

Theo sohoa

Thành Admin: